ĐIỀU HÀNH & QUẢN LÝ SUẤT ĂN CÔNG NGHIỆP

Hình minh họa - Nguồn internet

Điều hành và Quản lý một tổ chức dịch vụ Bếp ăn tập thể thực tế khác với Điều hành và Quản lý nhà hàng (dù tất cả đều là quản lý dịch vụ ăn uống). Đi sâu vào chuyên môn sẽ có rất nhiều sự khác biệt: từ quản lý con người đến quản lý hàng hóa, từ thực đơn đến phục vụ, từ đối tượng đến hoạt động sản xuất chế biến và phục vụ…

Để hiểu về Điều hành và Quản lý trong Suất ăn công nghiệp, trước hết chúng ta cần phải hiểu Điều hành và Quản lý là gì. Sự khác biệt giữa hai vị trí này trong một bộ máy của tổ chức, doanh nghiệp.

Ở đây mình sẽ giới thiệu tóm tắt và khái quát hóa để mọi người dễ hình dung và có thể vận dụng được trong quá trình làm việc.

  1. Cấp Điều hành

Cần phải biết rằng, các tổ chức, cho dù vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận, đều có một nhóm người Điều hành hay ban Điều hành – thường nằm trong Ban Giám Đốc để thực hiện các chính sách, kế hoạch và mục tiêu đã được ban lãnh đạo cao nhất phê duyệt.

Các vị trí điều hành này thường kiêm luôn công việc của Quản lý khi cần, vì thông thường họ đi lên từ các vị trí Quản lý. Trách nhiệm chính của họ là chỉ đạo trực tiếp và giám sát việc thực hiện của các Quản lý . Người điều hành chính là người tổ chức thực hiện, kiểm soát, đánh giá tất cả các kế hoạch và chính sách do ban lãnh đạo đề ra nhắm đạt được mục tiêu kinh doanh và vận hành doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra.

Người Điều hành có thể là người chủ cơ sở, chủ doanh nghiệp hoặc có thể là người được thuê và được trả lương, dễ gặp nhất trong Suất ăn công nghiệp là Giám đốc Điều hành. Trong thuật ngữ chung họ chính là các Quản lý cấp cao.

  1. Quản lý

Quản lý là tên gọi chung cho một người chịu trách nhiệm phân công, hướng dẫn và giám sát nhiều người.

Trong một cơ sở/tổ chức nhỏ, chúng ta có thể thấy một người quản lý duy nhất điều phối hoạt động của tất cả nhân viên và các bộ phận, tuy nhiên, trong các tổ chức lớn, có thể có nhiều cấp vị trí quản lý khác nhau.

Một Quản lý có tay nghề, kinh nghiệm và nhiều trách nhiệm hơn một nhân viên bình thường và do đó, cũng được trả lương cao hơn so với những nhân viên bình thường. Người Quản lý bộ phận nói chung chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của các nhân viên dưới quyền và chịu trách nhiệm trước cấp quản lý cao nhất về kết quả đầu ra từ bộ phận của mình. Theo nghĩa này, một Tổ trưởng cũng chính là một Quản lý (cấp thấp) trong hệ thống của tổ chức.

  1. Sự khác biệt giữa Điều hành và Quản lý

Như đã nói qua, các vị trí Điều hành đều đi lên từ Quản lý và các công việc họ thực hiện cơ bản là như nhau và điểm khác biệt chính là quy mô và tầm kiểm soát. có thể hiểu đơn giản rằng: Điều hành là quản lý ở tầm vĩ mô (lớn hơn) và Quản lý là người thực hiện ở tầm vi mô (nhỏ hơn)

Người Điều hành chịu trách nhiệm cho sự thành bại của tổ chức.

Người quản lý là người chịu trách nhiệm cho sự vận hành của một nhóm nhân viên.

Thế thôi, rất đơn giản và dễ hiểu đúng không nào. Các bạn nếu mong muốn đi sâu hơn, bài bản hơn có thể liên hệ với mình để được chia sẽ thêm. Còn ở đây, mình chỉ viết ngắn gọn để mọi người có thể đọc và hiểu được dễ dàng (không quá bài bản như trong sách).

Chúng ta sẽ từ từ tìm hiểu thêm về nghiệp vụ tại các phần sau nhé.

Chúc thành công!

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi